Nguyệt San Số 2


Địa Danh Thất Sơn
và Những Liên Hệ Đối Với Phật Giáo Hòa Hảo
Tác giả: Trường Thi
Thể loại: Quê Hương   

            Vùng Thất Sơn nằm trong khu tam giác Tịnh Biên - Nhà Bàng - Tri Tôn chiếm một địa thế với chiều dài 30 km, chiều ngang 17 km (khoảng 1/7 diện tích toàn tỉnh Châu Đốc) và trở thành một pháo đài thiên nhiên vô cùng kiên cố bên cạnh biên giới Campuchia và Thái Lan, án ngữ cả vùng bờ biển Hà Tiên - Kiên Giang.
            Thật vậy, từ cổ chí kim, từ Âu sang Á không một chiến lược gia nào có thể phủ nhận cái phần ưu thắng về tính cách quan trọng của núi non trong việc điều binh.
            Ngược dòng lịch sử nước nhà, chắc hẳn chúng ta còn nhớ vua Lê Thái Tổ, anh hùng áo vải ở núi Lam Sơn trong mười năm kháng chiến chống quân Minh đã ba lần rút về núi Chí Linh để cố thủ. Ông Hoàng Hoa Thám trong hai mươi năm chống Pháp đã nổi danh "Hùm thiêng Yên Thế" vì chiếm được Yên Thế Sơn làm nơi hùng cứ. Nguyễn Hoàng cũng đã hiểu rõ sự quan trọng của núi non về mặt chiến lược nên trước khi nhắm mắt có dặn người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên rằng "Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía nam có núi Hải Vân và núi Bí Sơn, thật là một nơi Trời để cho người anh hùng dụng võ".
            Nói đến Thất Sơn thì người ta nghĩ ngay đến vùng bảy núi nhưng bảy núi là những núi nào? Và ở đâu trong vùng Thất Sơn? Thật ra với diện tích 512 km2, vùng Thất Sơn có đến hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ, từ một hòn núi nhỏ với độ cao 50m (núi Nước) đến núi Cấm với chiều cao trên 700m quanh năm với sương mù bao phủ. Từ những ngọn núi có hình thù huyền bí như núi Két, núi Bà Đội, núi Tượng đến những ngọn núi có tên lạ tai như: Trà Nghịch, Tà Chiến, Đoài Tốn, Chơn Sum... Cả một vùng rộng lớn đâu đâu người ta cũng nhìn thấy được những diệu kỳ của vùng địa linh.
            "Trên năm non Rồng Phụng tốt tươi,
            Miền bảy núi mà sau báu quý"
Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ
Vì nội dung hạn hẹp của bài viết nên chúng tôi chỉ trình bày khái quát về địa danh Thất Sơn, những ngọn núi tiêu biểu và những bậc siêu phàm đã hoằng khai đạo pháp ở vùng địa linh nầy.
I - Tên Thất Sơn
            Dựa theo quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm của Nguyễn Văn Hầu xuất bản lần thứ nhứt năm 1955 và một số tư liệu nội bộ PGHH nói về những lần đăng sơn của Đức Huỳnh Giáo Chủ vào những đầu năm khai đạo (viếng núi Két và núi Cấm vào tháng Giêng năm 1940).
            "Non Tiên gió mát toại lòng thay,
            Tức cảnh thi văn nhả một bài.
            Cố tưởng ước mơ về nhược thủy,
            Ngặt vì không cánh lấy gì bay"
            (Viếng núi Két tháng Giêng năm Canh Thìn)
            "Lâu đài núi Cấm lộ nay mai,
Thức tỉnh chúng sanh mới tỏ bày.
Khuyên dạy dân ... .... đạo đức,
Tu hành được thấy cảnh Bồng Lai"
(Trên non ngày 14 tháng Giêng năm 1940)
Núi Két và núi Cấm được liệt vào danh sách Thất Sơn mầu nhiệm. Thất Sơn gồm những ngọn núi tiêu biểu sau:
1 - Anh Vũ Sơn (núi Két) cao 225m dài 1,100m thuộc xã Thới Sơn quận Tịnh Biên gần chợ Nhà Bàng. Sở dĩ núi nầy có tên là núi Két vì nó có một mõm đá lớn giống hình mỏ két hướng về liên tỉnh lộ 94 tuyến đường Nhà Bàng - Tri Tôn.

Nui Ket
Núi Két Châu Đốc

2 - Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng) ở gần núi Két, chiều cao không quá 200m, trên núi có 5 cái giếng tinh khiết bốn mùa.
3 - Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) cao 716m, chiều dài 7,500m, chiều ngang 6,800m nằm trên địa phận các xã Vĩnh Trung, Tú Tề thuộc quận Tri Tôn. Sở dĩ núi nầy gọi là núi Cấm vì có nhiều giả thuyết được đưa ra.
                        a) Có người cho rằng khi Hoàng tử Nguyễn Ánh (vua Gia Long) thất trận       bị quân Tây Sơn truy nã gắt gao có đến ẩn náu trong núi nầy và để khỏi bị tiết lộ, các quan của nhà vua cấm dân chúng vào núi viện lẽ nơi nầy là vùng sơn lam chướng khí và nhiều thú dữ. Danh từ Cấm được phát xuất từ đó.
                        b) Cũng có người cho rằng tên núi Cấm sở dĩ có là vì Đức Phật Thầy Tây An tiên tri ngày sau tại đây có đền vàng điện ngọc của Minh Hoàng nên Ngài cấm chư đệ tử cất chùa hay ở trên núi nầy để tránh làm ô uế núi non.
            4 - Liên Hoa Sơn (núi Tượng) cao 145m, chiều dài 600m, chiều ngang 400m thuộc xã Ba Chúc quận Tri Tôn; người ta gọi núi Tượng vì nó giống hình con voi.
5 - Thủy Đài Sơn (núi Nước) một hòn núi nhỏ và thấp với chiều cao khoảng 50m ở gần núi Tượng.
            6 - Ngọa Long Sơn (núi Dài) cao 580m, chiều dài 8,000m, chiều ngang 4,500m nằm trên địa phận các xã Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì thuộc quận Tri Tôn; người ta đặt tên như thế là vì núi nầy dài nhứt trong tất cả các ngọn núi vùng Thất Sơn.
            7 - Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô) cao 614m, chiều dài 5,800m, chiều ngang 3,700m nằm trên địa phận các xã Tri Tôn, Ô Lâm, An Tức và Cô Tô thuộc quận Tri Tôn ở gần biên giới quận Hà Tiên tỉnh Kiên Giang. Sở dĩ núi nầy có tên là Cô Tô vì trông giống như hình cái ô lật úp.
            Như trên chúng tôi đã trình bày, vùng Thất Sơn có đến hàng trăm ngọn núi và có những ngọn núi có rất nhiều người biết đến và nơi đây có nhiều di tích lịch sử như núi Sam, núi Phú Cường, núi Bà Đội lại không nằm trong danh sách Thất Sơn, âu cũng là những huyền bí mà cho đến bây giờ vẫn chưa có văn kiện nào chứng minh và giải thích được.
II - Những Bậc Siêu phàm đã hoằng khai Đạo Pháp tại vùng Thất Sơn
            Ngoài những huyền bí và linh thiêng vùng Thất Sơn được xem là Hoa Địa dưới mắt của các nhà địa lý. Thật vậy, mặc dù được trấn nhậm vùng Hà Tiên và tuân phục triều đình nhưng dưới con mắt của họ Mạc đây là vùng sơn lãnh linh thiêng và cho rằng đây là "Long huyệt" sợ dân Việt sẽ phát sinh Thánh Chúa nên họ đã ra tay "trấn ếm" ngay từ khi cuộc Nam tiến của nước ta được hoàn thành một bằng chứng cụ thể là việc ông Đạo Lập (tên thật Phạm Thái Chung) đã khám phá ra được một cái ếm tại Bài Bài thuộc xã Nhơn Hưng quận Tịnh Biên (Châu Đốc) tại miền núi linh thiêng nầy vào thế kỷ 19. Căn cứ vào những chữ còn sót lại trên cái ếm thì rõ ràng đây là việc làm của họ Mạc vì thời điểm nầy con cháu của Mạc Cửu vẫn còn trấn nhậm tại Hà Tiên "Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu cốc dán" (cái ếm nầy chôn vào mùa Thu, tháng 8 năm Càn Long nhà Thanh thứ 57 tức vào năm 1792 Dương lịch). Thêm một bằng chứng khác việc Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) khám phá ra được tại vùng núi Nước (một hòn núi nhỏ ở vùng Thất Sơn) vào đầu thế kỷ 20 đã chôn vùi dưới ba cây đa to lớn; căn cứ vào những chữ còn sót lại và bề thước của nó hoàn toàn giống như cây ếm trước được khám phá tại Bài Bài thì rõ ràng chính họ Mạc đã ra tay hầu chận đứng những Long huyệt phát sinh tại cùng Thất Sơn mầu nhiệm nầy.
            Trong thời gian gần một thế kỷ từ ngày Đức Phật Thầy Tây An khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương vào năm 1849 đến ngày 18/5/1939 Đức Huỳnh Giáo Chủ được xem là "tái kiếp" của Đức Phật Thầy Tây An khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, trong một chiều dài lịch sử đó tại vùng "Sơn Lãnh Thất Sơn" đã xuất hiện nhiều bậc siêu phàm xuống thế độ đời hầu dìu dắt chúng sanh khỏi vòng nghiệp chướng của thời Hạ Ngươn Mạt Pháp. Phương thức khai đạo khuyên người đời tu niệm, cách thờ phụng, trị bệnh, lập trại ruộng... đều rập khuôn như sau rõ ràng đây không phải là những trường hợp ngẫu nhiên mà do sự sắp xếp của đấng tối cao. Chúng tôi có thể sắp xếp những tiến trình tuần tự dựa vào thời điểm xuất hiện, giáo hóa độ đời và tịch diệt một cách khái quát và những bài kế tiếp chúng tôi sẽ đi tuần tự từng giai đoạn của các đấng siêu phàm xuất hiện trong suốt thời gian dài 90 năm tại vùng linh địa Thất Sơn.
            "Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,
            Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.
            Tu đền nợ thế cho rồi,
            Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen"
            Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ
1 - Đức Phật Thầy Tây An: Ngài chánh danh là Đoàn Minh Huyên sanh vào giờ Ngọ ngày Rằm tháng Mười năm Đinh Mão 1807. Quê quán tại làng Tòng Sơn nay là xã Mỹ An Hưng thuộc tỉnh Sa Đéc. Căn cứ vào những tư liệu còn ghi lại thì Ngài đã bỏ nhà ra đi từ nhỏ. Ngài đi đâu? Làm gì? Chẳng ai biết đến. Một hôm vào đầu năm Kỷ Dậu 1849 Ngài trở về quê hương. Bằng những hành động diệu kỳ Ngài đã gây được sự chú ý của quần chúng tại địa phương và kể từ đó Ngài bắt đầu khai mở Đạo Pháp cứu thế độ đời. Môn phái "Bửu Sơn Kỳ Hương" đã xuất phát từ đó. Để cho phù hợp với trình độ và căn cơ quần chúng Đức Phật Thầy chủ trương đem giáo pháp vô vi của Đức Phật mà truyền dạy trong dân gian. Trong giáo thuyết học Phật tu nhân Ngài chỉ gom ba điều chính là: Giới, Định và Tuệ.
            * Giới: là sợi dây ta buộc vào chính đạo, không cho ta phạm vào những lầm lỗi
            * Định: không suy nghĩ đến những lạc thú ở đời, cho nó là mong manh giả ảo, diệt trừ ham muốn
            * Tuệ: hiểu thấu lý vô thường và sự khổ não của con người, không bao giờ để cho sự khổ não vô thường chi phối.
            Trong suốt thời gian truyền đạo khắp vùng Thất Sơn không đâu mà Ngài không biết đến. Ngài thọ được 50 tuổi tịch tại núi Sam vào giờ Ngọ ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn 1856 trong lúc không bịnh hoạn tinh thần vẫn minh mẫn sau khi đã nhắc nhở đạo đức và đạn dò công việc cho tín đồ
            "Tòng Sơn đắc ngộ Phật,
            Tây An quả giác sư"
            Từ chợ Châu Đốc đi vào khoảng 5 cây số thì tời núi Sam, rẽ sang phía tả nhìn lên thấy ngôi chùa lồng lộng nằm trên triền núi, ngoài ngõ có đề ba chữ Tây An Môn, ấy là chùa Tây An, nơi đây Đức Phật Thầy đã nương náu để độ dân cho đến ngày tịch diệt. Phía sau chùa là mộ phần của Ngài. Mộ không có nấm. Trước mộ có khắc chữ trên bia đá (ngày sanh, tên họ và ngày tịch diệt).
            2 - Đức Phật Trùm: cho đến bây giờ vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ tên họ của Ngài cũng như năm sinh. Chỉ biết Ngài quê ở xã Lương Phú núi Tà Lơn trong vùng Thất Sơn. Ngài vốn là người Cao Miên. Lúc còn là thường dân thì đầu cạo trọc, ăn mặc theo lối người Miên vùng Tri Tôn nhưng khi được sáng tỏ Ngài để tóc dài và ăn mặc theo lối người Việt. Ngài xưng là Trùm của Phật sai xuống cứu đời nên người đời gọi Ngài là Phật Trùm. Khi trị bệnh Ngài dùng đèn sáp để đốt cho bệnh nhân coi và ngửi mà hết bệnh, do đó người đời còn gọi Ngài là Ông Đạo Đèn. Ngài ra đời giáo đạo được 7 năm thì tịch diệt nhằm ngày 21 tháng 11 năm Ất Hợi 1875. Ngài còn lưu lại cho đời một quyển "Sấm Giảng" khuyên người đời tu niệm và tiên đoán việc thời cơ.
            3 - Đức Bổn Sư: Ngài chính danh là Ngô Lợi lại còn có tên riêng là Hữu. Ngài thứ năm cho nên lúc ra đời trị bệnh người ta gọi Ngài là Cậu Năm Hữu. Ngài có biệt tài đi thiếp nên người đời cũng gọi Ngài là Cậu Năm Thiếp.
            Ngài sinh trưởng tại Dội (gần Mộc Bài) giáp biên thùy Miên Việt thuộc vùng bảy núi Châu Đốc. Cũng như Đức Phật Thầy Tây An Ngài tự nhiên tỏ ngộ, hiểu thấu lẽ diệu huyền, không học mà thông và có rất nhiều phép thuật. Phương thức trị bệnh của Ngài cũng giống như Đức Phật Thầy Tây An là dùng giấy vàng nước lã cho bệnh nhân uống và khuyên người đời tu niệm. Gót chân của Ngài đã in đậm từ núi Dài đến núi Tượng, có thể nói vùng Thất Sơn đâu đâu cũng có dấu chân Ngài. Ngài đã thu nhận rất nhiều tín đồ và dựng chùa thờ Phật. Ngài khai sáng tông phái Hiếu Nghĩa ở chân núi Tượng.
            Ngài tịch diệt vào ngày 13 tháng 10 năm Kỷ Dậu 1909 trong lúc đang mạnh và tinh thần minh mẫn. Ngài để lại cho đời một quyển Đồ Thư, trong đó có chép chuyện biến thiên của đất nước. Hiện di tích của Ngài còn lưu lại tại chùa An Định quận Tịnh Biên.
            4 - Ông Sư Vải Bán Khoai: Ngài tên thật là Mỹ. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một tài liệu nào ghi rõ họ cũng như năm sinh của Ngài mà chỉ biết lúc trưởng thành Ngài thường lui tới xã Vĩnh Gia quận Tịnh Biên (một xã giáp biên thùy Campuchia). Hình dạng Ngài nhỏ bé, ốm yếu như người đàn bà và trước ngực thường may một cái yếm xa trông giống như một cô vãi, lại nữa, khi tỏ ngộ trị bệnh cứu đời Ngài thường dùng áo vải, vải khăn của mình mà cho bệnh nhân vì thế người ta đạt cho Ngài biệt danh là "Ông Sư Vải".
            Vào khoảng năm Tân Sửu 1901 và Nhâm Dần 1902 Ông bơi xuồng giả dạng thường dân bán khoai để cảnh tỉnh người đời và khuyên người đời tu niệm
            "Nào khi Sư Vải bán khoai,
            Trong kinh Vĩnh Tế ai ai cũng lầm.
            Một cân tôi chẳng biết cầm,
            Quê mùa già cả âm thầm biết chi".
            Bóng dáng Ông rày đây mai đó từ Vĩnh Gia, Vĩnh Điền đến Vĩnh Thông trên kinh Vĩnh Tế trong khoảng thời gian hai năm (1901 -1902), bỗng nhiên người ta không còn thấy Ông nữa.
            Ông để lại cho đời một quyển "Sấm Giảng Người Đời', nội dung dạy người làm lành lánh dữ và trung nghĩa với tổ quốc, giang sơn. Quyển sấm giảng nầy đến ngày nay vẫn còn truyền tụng.
            5 - Ông Cử Đa: tên thật là Nguyễn Đa. Ông sanh vào năm nào cho đến nay không có tài liệu nào ghi cả chỉ biết Ông quê ở Phù Cát Bình Định vào Thất Sơn vào khoảng năm 1867. 1868 Ông đã đỗ Võ Cử nhân nên người đời gọi Ông là Ông Cử Đa.
            Từ ngày đỗ Võ Cử nhân giữa lúc nước nhà đang cơn nghiêng ngửa, cánh chim bằng đã tung bay đây đó, do cơ duyên Ông đã đến vùng Thất Sơn và chính nơi đây Ông đã tỏ ngộ. Ông đã gặp minh sư chân truyền Đạo Pháp và đặt cho đạo hiệu là Ngọc Thanh. Ông có nhiều đệ tử ở vùng Thất Sơn và luôn luôn dạy họ làm lành lánh dữ. Cho đến một ngày kia, vào khoảng cuối thế kỷ 19 người ta không còn thấy Ông đâu nữa. Người ta cho rằng Ông đã đắc Đạo quả.
            6 - Đức Huỳnh Giáo Chủ: Ngài tên thật là Huỳnh Phú Sổ, sanh năm Kỷ Mùi 1919. Thân sinh của Ngài là Hương cả làng Hòa Hảo quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc. Trước khi khai Đạo, Ngài đã nhiều lần đăng sơn đến vùng Thất Sơn. Ngài đã chánh thức khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo vào lúc 6 giờ chiều ngày 18/5 năm Kỷ Mão 1939. Lúc đó Ngài đúng 21 tuổi. Cũng như Đức Phật Thầy Tây An, Ngài xuống thế độ đời bằng phương pháp trị bệnh diệu kỳ và khuyên người đời tu niệm
            "Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,
            Xuống hạ giới truyền khai Đạo Pháp"
            Với giáo lý Tứ Ân: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, Ân đồng bào nhân loại, chỉ trong thời gian ngắn mà Ngài đã thu phục được trên 2 triệu tín đồ thời bấy giờ, tạo ảnh hưởng rất lớn tại đồng bằng sông Cửu Long.
            Biến cố 25/02 Âm lịch nhằm ngày 16/04/1947 tại làng Tân Phú (Đồng Tháp) Ngài đã ra đi để lại nỗi thương tiếc của hằng triệu tín đồ PGHH nói riêng và làm rơi lụy hầu hết những người Việt quốc gia trong giai đoạn đánh Pháp, đuổi Nhật và chống Việt Minh. Riêng đối với tín đồ PGHH luôn tin tưởng Đức Thầy vẫn còn sống và sẽ trở lại cứu vớt chúng sanh ở thời Hạ Ngươn Mạt Pháp như Ngài thường nói:
            "Ít lâu Ta sẽ trở về,
            Khuyên trong bổn đạo chớ hề lãng xao "
            Ngoài các bậc siêu phàm nêu trên, các đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương cũng đã đắc quả tại vùng bảy núi gồm:
            - Đức Cố Quản Trần Văn Thành (1820 - 1873)
            - Ông Tăng Chủ Bùi Thiền Sư (giữa thế kỷ thứ 19)
            - Ông Đạo Xuyến (1834 - 1914)
            - Ông Đạo Ngoạn (1820 - 1890)
            - Ông Đạo Lập (thế kỷ thứ 19)
            - Ông Đạo Lãnh (giữa thế kỷ thứ 19).
            Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin mượn những lời sấm ký của Đức Huỳnh Giáo Chủ để nói lên sự huyền bí của vùng Thất Sơn mầu nhiệm:
            "Chừng bảy núi lầu son lộ vẽ,
            Thì người già hoá trẻ dân ơn"
hay là
            "Trên bảy núi còn nhiều báu lạ,
            Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời"
            "Trên năm non rồng phụng tốt tươi,
            Miền bảy núi mà sau báu quý"
hoặc là
            "Lầu đài núi Cấm lộ nay mai,
            Thức tỉnh chúng sanh mới tỏ bày".
Trường Thi
Tài liệu tham khảo:
- Sấm Giảng và Thi Văn Giáo Lý PGHH (Đức Huỳnh Giáo Chủ)
- Thất Sơn Mầu Nhiệm (Nguyễn Văn Hầu)


Thất Sơn ngày nay